Tìm hiểu về hàng hóa OOG (Out of Gauge Cargo) trong vận tải
Trong ngành vận tải và logistics nói chung, thuật ngữ hàng OOG xuất hiện khá nhiều. Loại hàng hóa này thường phục vụ cho công trình dự án, hàng nhà máy và thường yêu cầu kỹ thuật xử lý khá phức tạp. Vậy hàng OOG là gì? Phải làm gì để xử lý và vận chuyển được mặt hàng này? Bài viết sau đây của TTL Global Logistics sẽ giải đáp đầy đủ những yêu cầu liên quan đến hàng OOG. Giải pháp xử lý hàng OOG chính là thế mạnh hàng đầu của TTL, giúp chúng tôi trở thành nhà cung cấp dịch vụ hậu cần top đầu thị trường.
Khái niệm hàng OOG là gì?
Trong vận tải, thuật ngữ OOG (viết tắt của cụm tử “Out of Gauge Cargo”) thường được dùng để chỉ mặt hàng lớn hơn khả năng chuyên chở của các phương tiện vận chuyển (như container, tàu bay, xe tải,…). Theo Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, hàng OOG thông thường rơi vào 2 trường hợp:
– Hàng siêu trường: là hàng không thể tháo rời, có kích thước chiều dài lớn hơn 20m, chiều rộng lớn hơn 2.5m và chiều cao lớn hơn 4.2m (tính từ mặt đất cho tới điểm cao nhất của hàng hóa đa được xếp trên xe)
– Hàng siêu trọng: là hàng hóa không thể tháo rời, có khối lượng vượt quá 32 tấn.
Có những phương thức vận chuyển hàng OOG nào?
1. Vận chuyển đường biển
Vận chuyển đường biển là phương thức phổ biến nhất đối với hàng OOG, đặc biệt là trong thương mại quốc tế. Như đã đề cập ở trên, hàng OOG thường là những kiện hàng không thể tháo rời, và có kích thước cũng như trọng lượng vượt quá khả năng vận chuyển của container. Do đó, các hãng tàu sẽ dùng các loại container chuyên dụng, được thiết kế đặc biệt cho loại hàng này:
– Container Open Top (viết tắt là OT): là container hở mái. Loại container này không có nóc bên trên, mà chỉ dùng tấm bạt để che. Container OT được thiết kế cho các mặt hàng yêu cầu phải được xếp dỡ bằng cẩu theo chiều dọc thẳng đứng, hoặc có chiều cao quá khổ so với kích thước của container thông thường.
– Container Flat Rack (viết tắt là FR): là container mặt phẳng. Container Flat Rack có vách có thể gập lại ở phía trước và phía sau, nhưng trống ở hai bên hông và không có trần phía trên. Loại container này thiết kế đặc dụng cho cả hàng quá khổ và quá tải. Sức chịu lực của sàn container Flat Rack cũng lớn hơn bình thường.
– Container Flatform: loại container khá giống với container Flat Rack ở trên. Điều khác biệt là không có vách ở 2 bên, chỉ có sàn container, còn lại toàn bộ 5 mặt còn lại đều trống.
Trong nhiều trường hợp khác, hàng OOG sẽ được vận chuyển bằng tàu rời: hàng hóa thay vì đóng vào container thì sẽ được xếp trực tiếp trên mạn tàu hoặc hầm hàng. Đây cũng thường là giải pháp cuối cùng cho các kiện hàng có kích thước siêu lớn mà ngay cả các container chuyên dụng cũng không chở được.
2. Vận chuyển đường hàng không
Vận tải hàng không thường ít được lựa chọn cho hàng hóa OOG do đặc thù giới hạn về kích thước và trọng tải trong khai thác hàng không. Nhưng trong một số trường hợp cần giao hàng gấp, hàng OOG vẫn có thể vận chuyển bằng đường hàng không. Tuy nhiên, cần có một số lưu ý sau:
– Xác định chính xác kích thước của hàng hóa có đảm bảo an toàn quá trình khai thác tại kho hàng và trên máy bay hay không?
– Lựa chọn phương tiện chuyên chở phù hợp. Đối với hàng OOG thường chỉ được vận chuyển bằng tàu bay Freighter chuyên chở hàng hóa
– Đảm bảo việc dán nhãn và hướng dẫn xử lý hàng hóa chính xác giữa chủ hàng và đơn vị chuyên chở.
3. Vận chuyển đường bộ
Vận chuyển đường bộ là phương thức bắt buộc. Bởi dù ngắn hay dài, khoảng cách từ nơi xếp/dỡ hàng hóa ra đến cang biển hoặc cảng hàng không đều phải dùng đến xe tải. Mỗi quốc gia sẽ có quy định về vận chuyển hàng OOG khác nhau. Tại Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải có quy định sau:
– Phải có giấy phép lưu hành do cơ quan có thẩm quyền cấp
– Yêu cầu phải có xe dẫn đường, hộ tống (nếu có)
– Tài xế có trình độ, sức khỏe, tập trung trong suốt chặng đường vận chuyển
Những lưu ý khi vận chuyển hàng OOG
Hàng OOG yêu cầu một quy trình phức tạp để có thể xử lý và vận chuyển. Do đó, chi phí vận tải và logistics nói chung cho mặt hàng này thường là rất cao. Để tiết kiệm tối đa, bạn nên lưu lại những chú ý sau đây khi gửi hàng OOG:
– Chuẩn bị trước giấy phép lưu hành, xe dẫn độ (nếu cần). Tại một số địa điểm, việc vận chuyển hàng OOG có quy định rất chặt chẽ. Ví dụ có những thành phố cầm vận chuyển hàng quá khổ, quá tải vào buổi tối, hoặc không được phép đi qua các con đường cấm
– Cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về hàng hóa. Kích thước, khối lượng, địa điểm giao nhận hàng hóa,… là những thông tin cần nắm được chính xác đối với hàng OOG
– Lựa chọn phương tiện chuyên chở và phương thức vận chuyển phù hợp. Có 3 phương thức vận chuyển hàng OOG đã được đề cập ở trên: đường biển, đường bay và đường bộ
– Sắp xếp, lựa chọn nhân lực, phương tiện bốc xếp phù hợp, đảm bảo an toàn tối đa.